Nếu bạn có dịp du lịch đến với Đà Nẵng và Hội An, chắc chắn bất kỳ ai thân thuộc với mảnh đất này đều sẽ khuyên bạn nên thử qua hai thứ đặc sản tại đây là mì Quảng và cao lầu, đây là hai món ăn mang đậm bản chất văn hóa và con người của nơi đây. Thế nhưng với những ai không có thói quen tìm hiểu nhiều về ẩm thực, sẽ thấy hai món ăn này khá giống nhau, thậm chí còn rất dễ lẫn lộn. Vậy thì mì Quảng và cao lầu, chúng khác nhau chỗ nào?
NƯỚC LÈO
Quả thật trước hết, muốn so sánh hai món ăn thì phải đánh giá xem nước lèo của chúng khác nhau như thế nào, đương nhiên là những món có nước lèo thôi nhé. Chỉ cần nếm một chút nước lèo, bạn có thể nhận ra ngay được rằng, nước mì Quảng thanh và phảng phất hương đậu phộng, còn cao lầu thì hương vị đậm đà như những món kho trong mâm cơm của người Việt.
Mặc dù lượng nước của cả hai món ăn này đều khá ít, nước lèo dùng cho mì Quảng sẽ nhiều hơn cao lầu một tí, nhưng bản chất của chúng khác nhau hoàn toàn. Một người bạn sành ẩm thực đã ví von rằng, nước mì Quảng là nước lèo của mì thông thường nấu sắc lại, còn nước cao lầu lại có hơi hướm giống nước thịt kho nhưng loãng ra.
Nguyên liệu chính của nước lèo mì Quảng bắt nguồn từ loại nhân chính được phục vụ, chẳng hạn như xương heo, gà, tôm … đó là những sản vật dễ bắt gặp tại các tỉnh miền Trung, lại nấu cùng với đậu phộng nên nước dùng sánh lại và có hương vị thanh thoát. Còn nước lèo của cao lầu lại được lấy từ nước tẩm gia vị của thịt heo, đun trên bếp lâu nên thấm đượm gia vị và có hương thơm đậm đà.
SỢI MÌ
Về sợi mì, nhiều người có thể thấy rằng sợi mì Quảng và sợi cao lầu khá giống nhau và đều được làm từ nguyên liệu chung là bột gạo, thế nhưng nếu sợ mì Quảng chỉ đơn thuần làm từ bột gạo, và sắc vàng từ các loại nước luộc, thì sợi cao lầu kỳ công hơn thế rất nhiều.
Nếu bạn đến Hội An, bạn sẽ thấy người dân nơi đây không gọi cao lầu là sợi mì, mà sẽ gọi là bánh cao lầu, có chiều dài của mỗi sợi ngắn hơn mì Quảng một chút. Không chỉ được làm từ bột gạo, bánh cao lầu gốc của người Hội An còn phải được ngâm chung với tro, và tro này bắt buộc phải đốt từ cây ở Cù Lao Chàm mới đúng vị. Ngoài ra, nước xay gạo thành bánh cao lầu phải là nước giếng Bá Lễ, một giếng nước có tiếng của Hội An. Thế mới thấy, cao lầu quả xứng danh là cao lương mĩ vị của Hội An.
NGUYÊN LIỆU NHÂN CHÍNH
Theo phân tích trên, sợi cao lầu đã “ăn đứt” sợi mì Quảng rồi, vậy thì tại mục này, mì Quảng sẽ giành lại vị thế. Bởi nguyên liệu chính của cao lầu chỉ gói gọn ở một thứ duy nhất, đó là thịt heo, mặc dù cách nấu cũng khá công phu với sự kết hợp của nhiều lại gia vị khác nhau, nhưng về độ “ngon mắt”, mì Quảng sẽ thắng bởi sự đa dạng về nguyên liệu.
Bên cạnh thịt heo, xá xíu, mì Quảng còn được “trang trí” thêm khá nhiều các nguyên liệu khác như thịt gà, tôm, trứng, thậm chí có cả một số biến thể như cá, vịt. Sự đa dạng về nguyên liệu này không hề làm hương vị tô mì Quảng bị “pha tạp”, mà trái lại, tất cả như hòa quyện với nhau để dẫn dắt người dùng đến những trải nghiệm vị giác thú vị.
CÁC NGUYÊN LIỆU PHỤ
Bạn biết không, người miền Trung có thói quen ăn rau rất nhiều, không chỉ vì việc “độn” rau sẽ khiến họ dễ no hơn trong những bữa ăn, mà từng loại rau còn đem lại cho món ăn của họ hương vị độc đáo. Cả cao lầu và mì Quảng đều thường được dùng chung với các loại rau như xà lách, giá, và hành, ở điểm này cả hai món ăn đều có nên chúng tôi sẽ không bàn đến, nhưng có một nguyên liệu tuy nhỏ nhưng khiến hai món ăn tách biệt với nhau hoàn toàn.
Đó chính là bánh tráng ăn kèm, với mì Quảng, người ta thường lấy bánh tráng (bánh đa) giòn, loại bánh có mè đen, bẻ nhỏ và trộn hoặc ăn kèm với mì Quảng. Nhưng ở cao lầu, chiếc bánh tráng lúc còn mềm sẽ được xếp lại trước, và sau đó đem chiên lên, trở thành một thứ bánh mà người Hội An gọi là bánh giòn, có màu nâu sậm rồi bỏ vào ăn kèm với cao lầu. Một điểm nữa chỉ có ở mì Quảng, đó là rắc thêm một muỗng đậu phộng giã nhỏ để hương vị phong phú hơn.
Cả cao lầu và mì Quảng đều là những thức ẩm thực đặc trưng của Đà Nẵng, Hội An nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, nhiều người còn nói rằng, ra đó mà chưa thử cao lầu với mì Quảng thì coi như chưa từng đến đây. Bạn thấy hai món ăn này thế nào, bạn sẽ dùng thử chứ?