Chè Huế là một trong những nhánh ẩm thực cực kỳ quan trọng của nền ẩm thực miền Trung. Món tráng miệng này gắn liền với hơn nghìn năm lịch sử phát triển của nước nhà và là một đặc sản vô cùng hút khách ở xứ Huế. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về món chè đặc biệt này.
Bề dày lịch sử của món chè Huế
Chè Huế có mặt từ rất lâu đời, là một món tráng miệng không thể thiếu đối với những bữa ăn chốn cung đình. Có tài liệu cho rằng, chè này có nguồn gốc xuất phát từ nghệ thuật chế biến món ăn kết hợp giữa Chăm-pa và Việt Nam từ thời châu Ô, châu Lý còn thuộc nước Chăm-pa.
Sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong cách chế biến và hương vị đã giúp món chè này luôn xuất hiện trong các bữa ngự thiện cũng như trở thành món quà dâng lên các bậc tiền bối thời ấy. Món ăn này rất được coi trọng bởi cung đình triều Nguyễn. Ngoài ra, các món chè này cũng được lòng người dân.
Ngày nay, chè Huế trở thành một trong những đặc sản bậc nhất của nền ẩm thực xứ Huế. Với món ăn này, thực khách không chỉ thưởng thức một món ngon về hương vị mà còn đang chiêm nghiệm lại văn hoá ẩm thực hơn nghìn năm tuổi của miền Trung.
Các loại chè xứ Huế có hương vị ngon nức tiếng
Rất khó để có thể thống kê được số lượng chính xác của các loại chè Huế bởi chỉ riêng chè cung đình Huế đã có đến 36 loại. Điều này cho thấy sự đa dạng không giới hạn của chè xứ Huế. Tuy nhiên, để kể ra những món chè Huế được biết đến nhiều nhất thì có thể nói đến những cái tên sau đây:
Chè hạt sen
Đây là một trong những món chè nổi tiếng nhất đối với phần lớn các du khách. Món chè này có hương vị ngọt nhưng không ngấy, rất thanh thoát. Để tạo nên được hương vị đặc trưng, chuẩn vị, người nấu phải chọn sen tươi từ hồ Tịnh Tâm rồi mới hấp chín, nấu cùng với nước đường phèn hoặc đường cát trắng trong vắt. Kỹ năng canh lửa, đảo chè của người nấu sẽ quyết định hương vị, hương thơm.
Chè đậu ván/ đậu ngự
Món chè này cũng có mặt từ lâu đời trong nền ẩm thực Huế. Đậu ngự hay đậu ván là nguyên liệu chính của món ăn này. Người nấu sẽ phải canh sao cho đậu vừa mềm tới nhưng không bị nát và vẫn giữ nguyên được hình dạng ban đầu. Món chè có sự kết hợp giữa vị bùi bùi từ đậu, cái ngọt thanh của nước đường.
Chè đậu xanh Huế
Nói đến chè đậu xanh thì có đến mấy loại khác nhau dựa trên cách chế biến và trình bày. Cụ thể có chè đậu xanh hạt (nấu nguyên hạt), chè đậu xanh đánh (đánh nhuyễn đậu xanh) và chè bông cau. Trong đó, chè bông cau khá đặc biệt với hai cách ăn, một là nấu nước đường trong vắt, hai là pha thêm bột lọc nếu muốn thưởng thức hương vị chè đặc và sánh quyện.
Chè khoai tía
Rất nhiều du khách yêu thích món chè này bởi hương vị và cả cách trình bày hết sức bắt mắt của nó. Chè khoai tía được nấu từ khoai tía (hay khoai tím) có màu sắc đẹp tự nhiên. Cách chế biến của chè khoai tía cũng tương đối cầu kỳ nhưng lại tạo ra được một hương vị đơn giản, thanh ngọt, mềm dẻo rất được lòng thực khách.
Chè bắp
Chè bắp không chỉ là một món chè Huế nổi tiếng mà còn là món tráng miệng quen thuộc của rất nhiều người dân Việt. Mỗi một vùng miền sẽ có một cách nấu chè bắp khác nhau. Riêng xứ Huế, đây là một trong những nét đặc trưng không thể thiếu. Món chè này được nấu bằng bắp non hay bắp sữa, đặc biệt nổi tiếng ở cồn Hến.
Chè Huế bột lọc thịt quay
Tiếng vang của chè bột lọc thịt quay ở Huế chắc hẳn không còn quá xa lạ. Đây là một trong những món chè mặn đã thu hút nhiều thực khách “truy lùng” thưởng thức. Bánh bột lọc Huế vốn đã rất nổi tiếng, sự kết hợp giữa bánh bột lọc và vị ngọt của chè càng tạo nên được sự bùng nổ trong hương vị hơn.
Món chè này cũng có cách nấu ngọt cho những thực khách hảo ngọt. Điểm khác biệt nằm ở chỗ nhân thịt quay thay thế bằng dừa, đậu phộng hoặc không để nhân.
Những nguyên liệu đặc trưng làm nên món chè Huế
Mỗi một loại chè khác nhau, đương nhiên sẽ cần có các nguyên liệu khác nhau. Tuy nhiên, có một số các nguyên liệu đặc trưng tạo nên điểm đặc biệt của chè Huế, thu hút các thực khách đến thưởng thức các món chè gốc, được làm ngay tại Huế.
Sen hồ Tịnh Tâm
Như đã đề cập trước đó, nhằm tạo nên được hương vị tươi ngon đặc biệt, các chén chè sen xứ Huế thường được nấu từ sen của hồ Tịnh Tâm. Trong lịch sử, triều Nguyễn từng cho cải tạo lại hồ Tịnh Tâm để làm vườn thượng uyển.
Không chỉ là một thành tựu tiêu biểu của nước nhà trong lĩnh vực kiến trúc, hồ sen nơi đây còn đặc biệt nổi tiếng với việc cho ra những hạt sen tươi, thơm ngon, bùi và hợp nhất để làm món chè sen. Vì vậy, sen hồ Tịnh Tâm rất được ưu tiên trong việc nấu món chè này.
Các loại đậu
Có rất nhiều món chè xứ Huế được làm nên từ các loại đậu, chẳng hạn như đậu xanh, đậu ván, đậu đỏ, đậu đen,… Dù không có một nguồn gốc đặc trưng nào cho những loại đậu này như sen ở hồ Tịnh Tâm, song để giữ nguyên bản chất “cung đình” của món chè Huế, người nấu luôn lựa chọn những nguyên liệu chất lượng cao để nấu chè. Với loại chè đậu nguyên hạt thì hạt đậu phải có hình dáng đẹp và mềm mại.
Đường phèn làm chè Huế
Để tạo nên vị ngọt thanh cho chè thì không thể bỏ qua đường. Đường trắng có vẻ phổ biến hơn trong việc chế biến các món chè. Nhưng để nói về chè Huế chính gốc với cách chế biến tỉ mỉ thì đường phèn mới là lựa chọn tốt nhất.
So với đường trắng, đường phèn có vị ngọt thanh hơn, thậm chí được dùng trong các bài thuốc trị ho. Sử dụng đường phèn để nấu chè xứ Huế vừa tạo nên vị ngọt rất ngon cho món chè mà còn tốt cho sức khỏe.
Nước cốt dừa
Bên cạnh những loại chè nấu với nước đường thanh mát như chè hạt sen, chè đậu xanh nguyên hạt,… thì những loại chè sánh đặc, dẻo và hoà quyện vào nhau cũng vô cùng được ưa chuộng tại Huế. Nhằm tăng hương vị cho các món chè xứ Huế này, người ta thường sẽ cho thêm nước cốt dừa và đậu phộng. Nước cốt dừa phải mới, phải tươi và có độ béo thơm, làm cho món chè được ngon miệng hơn.
Cách chế biến chè Huế chuẩn vị nhất
Chè Huế có nhiều loại, tất nhiên cũng khác nhau về những công đoạn chế biến. Tuy nhiên, để miêu tả một cách đơn giản thì có các công đoạn cơ bản sau đây:
Chuẩn bị các nguyên liệu
Với chè đậu, tuỳ vào loại chè nguyên hạt hay chè đánh nhuyễn mà sơ chế nguyên liệu. Nếu là chè nguyên hạt thì cần rửa sạch hoặc ngâm nếu cầu thiết, sau đó lựa những lứa đậu đẹp nhất trong đó rồi đem đi nấu hoặc hấp sao cho chín mềm. Nếu là chè đánh nhuyễn thì cần thêm bước nghiền đậu đã hấp chín sao cho nhuyễn rồi mới đem đi nấu.
Với chè trái cây, cần lột sạch vỏ các loại trái cây rồi rửa sạch là có thể chuẩn bị nấu. Với những loại chè có sử dụng bột như chè bột lọc ngọt, chè bột lọc thịt quay, chè hạt lựu,… thì phải có bước nhồi bột, nặn thành hình dạng cụ thể và cho thêm nhân (nếu có) rồi mới đem đi nấu.
Nấu các nguyên liệu với nước đường
Với những loại chè Huế dùng nước đường trong thì chỉ cần đem đậu nguyên hạt, trái cây,… cho vào nước đường để nấu. Quan trọng nhất là kỹ năng canh lửa, sao cho chè vừa được nấu chín tới mà nguyên liệu không bị nát. Công đoạn này rất được coi trọng trong việc nấu chè sen hay chè đậu bởi đậu là loại hạt dễ bị bở, bị nát còn sen nếu nấu non sẽ không thơm, nếu nấu già sẽ không còn tươi.
Với những loại chè dùng nước đường đặc thì sẽ cần cho thêm bột lọc vào nước nấu để tạo được độ đặc sánh. Ngoài ra, các loại chè đặc của xứ Huế cũng tính cả chè đậu được nghiền nhuyễn hoặc chè khoai, chè nếp,… Điểm chung của những loại chè này là sự mềm dẻo, sánh đặc vừa phải và các thành phần hòa quyện vào nhau.
Trình bày món chè Huế
Chè thường được cho ra chén hoặc ly để thưởng thức. Đặc biệt, hầu hết các món chè xứ Huế đều ăn nóng chứ không ăn lạnh như chè của miền Nam. Cách ăn này giúp giữ được hương vị của món chè một cách toàn vẹn.
Để làm món chè thêm bắt mắt, người ta thường để thêm lên trên một lớp nước cốt dừa đặt, dừa sợi hoặc đậu phộng, mè các loại. Những nguyên liệu này không chỉ giúp trang trí cho chén chè mà còn làm dậy vị của những thành phần bên trong.
Giá bán trung bình của chè Huế
Tại các địa điểm du lịch, chè xứ Huế thường được bán với giá giao động từ 15.000 đến 30.000đ một ly/chén, tuỳ vào độ nhiều hay ít, sự cầu kỳ trong trang trí và các thành phần, nguyên liệu. Tại những quán chè thông thường thì giá cả sẽ thấp hơn một chút, trong khoảng từ 10.000 đến 25.000đ một ly/chén.
Đặc biệt, nếu là một tín đồ du lịch sành sỏi và có nhiều hiểu biết đối với những quán ăn địa phương thì độc giả hoàn toàn có thể tìm được những địa điểm bán chè Huế chỉ với giá 5.000 đến 7.000đ một ly/chén chè. Đương nhiên, hương vị đặc trưng của món chè xứ Huế sẽ vẫn được giữ nguyên dù có giá bán rất thấp.
Địa chỉ bán chè Huế nổi tiếng, đáng trải nghiệm nhất
Ở cả ba miền đều có những quán bán chè Huế nổi tiếng để phục vụ thực khách. Sau đây là những địa chỉ mà thực khách có thể cân nhắc trải nghiệm thử:
Quán chè Hẻm
Chè Hẻm có mặt trong một con hẻm nhỏ của đường Hùng Vương. Phong cách bày trí quán mang hơi hướng cổ xưa và có cả chè lạnh lẫn chè nóng. Địa chỉ quán nằm ở số 1 kiệt, 29 Hùng Vương, Phú Hội, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Quán chè Mợ Tôn Đích
Giá chè ở đây chỉ giao động từ 7.000 đến 15.000đ một phần. Quán bán đa dạng các món chè và toạ lạc ở 20 Đinh Tiên Hoàng, Phú Hòa, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Quán chè Tô Ký
Đây là địa điểm bán chè đặc trưng hương vị xứ Huế với giá bình dân. Quán chỉ mở cửa từ chiều đến 9g tối. Địa chỉ của quán nằm ở 12/3 Tô Ký, P. Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP HCM.
Quán chè Huế ở Thủ Đức
Ở số 6 Nguyễn Khuyến (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) có một quán chè do người Huế chính gốc đứng nấu. Quán có tuổi đời trên 20 năm và nằm ở một khu vực yên tĩnh, vắng xe cộ. Không gian quán thoáng mát với hương vị chè của cố đô không sai lệch.
Quán chè Cung Đình Huế
Quán chè được mở bởi một người chủ yêu và mến mộ món chè Huế. Các nguyên liệu nấu chè của quán cũng được chuyển vào từ Huế như sen hồ Tịnh Tâm, bắp cồn Hến,… Địa chỉ của quán ở 327 – phố Bạch Mai, 336 – Khâm Thiên, Hà Nội.
Phía trên là các thông tin xoay quanh món chè Huế mà các độc giả quan tâm có thể tham khảo. Hy vọng bài viết đã mang đến cho những độc giả yêu quý xứ Huế, nền ẩm thực Huế và đặc biệt là món chè có thêm những cái nhìn toàn cảnh hơn về món ăn này.